Quả hồng bổ hư, cầm máu.
Hồng tính hàn, vị ngọt chát. Thịt quả chứa protein, lipid, đường gluco, glucoza, nhiều loại chất khoáng. Trong "Bản thảo cương mục", Lý Thời Trân đã viết: "Hồng là thứ quả đi vào tỳ, phế, huyết. Nó có vị ngọt, chát, có tác dụng kiện tỳ, sáp tràng, trị ho, cầm máu. Nhiều bộ phận của quả hồng cũng như cây hồng có thể dùng làm thuốc".
Phấn ở quả hồng (thị sương) có công hiệu thanh nhiệt, nhuận táo, tan đờm giảm ho, là vị thuốc tốt dùng chữa viêm niêm mạc miệng lưỡi, viêm rát họng, ho do phế nhiệt.
Núm cuống quả hồng có tác dụng giáng khí, trị nôn, ợ hơi. Thuốc Đông y có bài "Thị đế thang", "Thị đế tán" nổi tiếng chữa nôn ợ, hơi thở nóng... khá hiệu nghiệm.
Lá hồng chứa chất hoàng đồng cam, có tác dụng hạ huyết áp, cầm máu, diệt khuẩn tiêu viêm, kéo dài tuổi thọ. Uống trà lá hồng lâu ngày sẽ làm cho mạch máu mềm đi, chữa xơ cứng động mạch và trị mất ngủ.
Như vậy, toàn thân cây hồng là những vị thuốc. Nhưng cũng không nên ăn quả hồng quá nhiều, không ăn vào lúc đói, không nên ăn cùng những món có chất chua. Bởi vì trong quả hồng có chất tanin, khi gặp protein trong dịch tiêu hóa đường ruột sẽ gây kết tủa thành "sỏi hồng", không tiêu hóa được. Nếu bị nhẹ thì cũng ảnh hưởng tới sức khỏe, bị nặng sẽ dẫn tới tắc nghẽn đường tiêu hóa. Vì vậy, phụ nữ lạnh bụng sau khi đẻ không được ăn.
Các bài thuốc chữa bệnh bằng hồng
- Nôn ợ, có hơi nóng: Núm cuống hồng 3 gam, đinh hương 3 gam, sắc uống.
- Chữa bệnh trĩ: Hồng 3 quả, địa du 9 gam, sắc uống, ngày 3 lần. Cao huyết áp: Lá hồng 10 gam, sắc uống thay nước chè, có tác dụng hạ huyết áp, phòng ngừa xơ cứng động mạch.
- Thổ huyết, ho khạc ra máu: Hồng sấy khô, tán bột, ngày dùng 3 lần, mỗi lần 3 gam.
- Viêm da lở loét do lạnh, nóng: Vỏ quả hồng 50 gam, đốt toàn tính, tán nhỏ, trộn với mỡ lợn bôi.
- Tránh thụ thai: Núm cuống quả hồng 50 gam sấy khô, tán nhỏ, chia đều thành 6 gói, trước và sau khi hành kinh uống 1 lần, mỗi lần 1 gói, liền trong 3 chu kỳ.